Kinh tế khởi sắc sẽ vực dậy thị trường M&A
Môi trường kinh tế duy trì tăng trưởng, đi kèm những cải cách thể chế, là những chất xúc tác quan trọng để thị trường M&A tại Việt Nam trở nên hấp dẫn và nhộn nhịp hơn trong năm tới.
Chiều ngày 27/11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2024 (M&A Vietnam Forum 2024) lần thứ 16 đã được Báo Đầu tư tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Đức Tâm cho biết, thị trường M&A Việt Nam hiện nay có phần trầm lắng do thiếu vắng thương vụ quy mô lớn từ nhà đầu tư nước ngoài.
“Tuy nhiên, sự trầm lắng này, như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, vẫn chỉ là vấn đề mang tính thời điểm” - Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại Diễn đàn, chiều ngày 27/11 vừa qua - Ảnh: Ban tổ chức
Theo ông Tâm, các yếu tố nền tảng về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kết cấu hạ tầng... được củng cố trong năm 2024 sẽ tạo tác động rõ nét hơn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế trong năm 2025. “Các động lực tăng trưởng từ cả phía cung và phía cầu cũng đang tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ” - ông nói.
Thứ trưởng cho rằng, một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước, thì hoạt động M&A sẽ được kích hoạt.
Chờ điểm uốn
“Việt Nam rất hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật” - Giám đốc Cấp cao Tamotsu Majima của hãng tư vấn M&A xuyên biên giới - RECOF cho biết tại phiên thảo luận của diễn đàn.
GIám đốc Cấp cao RECOF - ông Tamotsu Majima - Ảnh: Ban tổ chức
So sánh mức tăng trưởng GDP từ 6-7% hàng năm của Việt Nam với mức chỉ 1-2% của Nhật Bản hiện nay, Ông Majima kỳ vọng các bên mua từ Nhật sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, sau một thời gian tương đối trầm lắng. Theo đó, nhiệm kỳ nội các chính phủ mới tại xứ phù tang có thể là cú huých.
Vị lãnh đạo RECOF cũng cho biết, doanh nghiệp Nhật đang sở hữu lượng tiền mặt hàng ngàn tỷ USD cần giải ngân, đặc biệt là nhóm công ty đại chúng sẽ đối diện áp lực từ cổ đông buộc phải tìm hướng đầu tư hiệu quả hơn, hoặc phải trả cổ tức.
Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tư vấn Mua bán và Sáp nhập doanh nghiệp KPMG - ông Đinh Thế Anh - Ảnh: Ban tổ chức
Nói về một số thách thức mà thị trường M&A đang đối mặt, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tư vấn Mua bán và Sáp nhập doanh nghiệp tại KPMG - ông Đinh Thế Anh cho hay, khoảng cách về định giá giữa bên mua và bên bán là nút thắt khiến một số thương vụ bị hủy trong những năm qua, đặc biệt là tại các ngành kinh doanh gặp khó do tình hình vĩ mô và sức tiêu dùng còn yếu.
Trong những giai đoạn làm ăn trầm lắng, bên bán vẫn muốn chuyển nhượng được giá, trong khi bên mua dựa vào số liệu gần nhất để ra quyết định, từ đó tạo nên nhìn nhận về định giá khác biệt giữa 2 bên.
Tổng thể tại diễn đàn, giới chuyên gia đánh giá rằng, sự tiếp tục khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 sẽ là điểm uốn quan trọng nhằm giải quyết khoảng cách nói trên, từ đó tạo môi trường thuận lợi hơn cho các thương vụ M&A tiềm năng.
Thừa Vân
FILI